6 dấu hiệu nhận biết nhanh cuộc gọi lừa đảo: Cần tắt điện thoại ngay kẻo mất sạch tiền

Làm thế nào để nhận biết nhanh một cuộc gọi lừa đảo? Hãy xem có đủ những dấu hiệu này hay không.

Gần đây, những kẻ lừa đảo đang sử dụng công nghệ "Deepfake" để thực hiện cuộc gọi video với hình ảnh và khuôn mặt giả mạo để qua mặt và lừa tiền của rất nhiều người dân. Vậy làm thế nào để nhận biết nhanh cuộc gọi lừa đảo khi mà thủ đoạn của kẻ phạm tội ngày càng tinh vi?


6 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi lừa đảo như:

+ Thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây.

+ Khuôn mặt của người gọi thiếu tính cảm xúc và trông "trơ", hoặc có tư thế lúng túng, không tự nhiên.

+ Phần đầu và cơ thể trong video cũng không nhất quán với nhau.

+ Màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Điều này khiến video trông rất giả tạo và không tự nhiên.

+ Âm thanh không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.

+ Cuộc gọi có thể bị gián đoạn, người gọi có thể nói là mất sóng hoặc sóng yếu. Đồng thời, yêu cầu chuyển tiền có thể đến từ một tài khoản không phải của người gọi.


Cảnh giác với các cuộc gọi từ đầu số lạ

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, người dân khi nhận được cuộc gọi từ số lạ cần cảnh giác cao độ, không làm theo bất kỳ yêu cầu nào từ những kẻ lạ mà phải có sự xác minh lại với các tổ chức, cơ quan nhà nước có liên quan...

Với các cuộc gọi từ số lạ, các nhà mạng khuyến cáo khách hàng không nên gọi lại vì có thể dính bẫy lừa đảo của kẻ gian. Đơn cử như trường hợp lừa đảo khá phổ biến là nháy máy, nếu khách hàng gọi lại cho các số điện thoại lạ và khi cuộc gọi được kết nối thành công, người nghe chỉ nghe thấy những âm thanh được cài đặt sẵn, sau đó tài khoản sẽ bị trừ những khoản tiền rất lớn. Do đó, chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.

Hãy cảnh giác khi bạn nhận được cuộc gọi, tin nhắn từ những các đầu số dưới đây:

Đầu số: +84069, +375, +371, +381, +563, +370, +255, +252, +247, +231, +371, +224, +232,…

Hoặc số: 6781, 6768, 7775, 8781, 7777, 8700, 8125, 7769, 6716, 8791, 7786, 8774…

Năm 2022, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an từng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn một số đối tượng lợi dụng công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh để lừa đảo, đánh cắp thông tin tài khoản.

Theo cơ quan công an, rất nhiều người dân nhận được cuộc gọi từ các thuê bao có đầu số +870, +601, +084,... thông báo cho chủ phương tiện biết đã có hành vi vi phạm luật giao thông đường và hướng dẫn cách chuyển khoản để đóng tiền phạt.

Bản chất của thủ đoạn lừa đảo trên là các đối tượng tội phạm lợi dụng việc phạt nguội là người vi phạm giao thông không bị xử lý ngay, mà sẽ có thời gian xử lý. Các đối tượng tội phạm lợi dụng vào khoảng thời gian mà lực lượng CSGT cần để hoàn tất việc thực hiện quy trình xử phạt nói trên, đã tạo dựng thông tin giả mạo gửi tới các chủ phương tiện nhằm mục đích lừa đảo chủ phương tiện đóng tiền phạt.


Cần làm gì khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo?

Từ 1/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông triển khai, mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Khi nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 để cung cấp thông tin về số điện thoại vừa gọi đến, trích dẫn một số nội dung liên quan, theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng.

Ngoài việc gọi tới đầu số 156, người dân cũng có thể gửi tin nhắn phản ánh cuộc gọi lừa đảo thông qua đầu số 156. Nếu cuộc gọi rác, cú pháp nhắn tin là V (số điện thoại) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656.

Nếu cuộc gọi lừa đảo, nhắn tin theo cú pháp LD (số điện thoại) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656

Nhận xét